Đột quỵ là gì – dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và chẩn đoán

 1

Đột quỵ là gì?

Cơn đột quỵ xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ hoặc tắc nghẽn khiến quá trình tuần hoàn máu lên não bị ngưng trệ. Các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng sẽ chết dần làm cho các chức năng nhận thức bị rối loạn và gây mất kiểm soát cơ bắp.

Đột quỵ có 3 dạng chính đó là:

(1) Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm hơn 80% các ca đột quỵ): gây ra bởi một cục máu đông làm tắc nghẽn dòng chảy của máu lên não.

(2) Đột quỵ do xuất huyết: do vỡ mạch máu gây ra thiếu máu chảy đến não.

(3) Ngoài ra, còn có một dạng đột quỵ nhỏ khác được gọi là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA). Trường hợp này xảy ra khi quá trình cung cấp máu bị gián đoạn trong thời gian ngắn, thời gian hồi phục nhanh là khoảng vài phút đến vài giờ và thường không gây ra tê liệt.

Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về: Các dạng đột quỵ – dạng nào là nguy hiểm nhất?

Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ đột quỵ não thay đổi theo mùa một cách rõ rệt. Tỷ lệ đột quỵ vào mùa đông cao hơn hẳn so với mùa hè. Bệnh nhân đột quỵ vào mùa đông cũng có tiên lượng xấu hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Ngoài ra, đột quỵ cũng xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày, nhất là buổi sáng sớm.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Các triệu chứng chung

Biểu hiện trên gương mặt: miệng trở nên méo mó đặc biệt là khi cười hoặc nói chuyện, gương mặt có thể bị tê liệt thiếu cân xứng, hơi lệch qua một bên so với bình thường, hai bên má và mũi rủ xệ xuống.

Biểu hiện ở mắt: thị lực bị suy giảm, có thể đột nhiên bị mờ một hoặc cả hai mắt.

Biểu hiện ở tay chân: cơ thể mệt mỏi, tay hoặc chân trở nên yếu đuối và bị tê liệt đột ngột. Điều này thường xảy ra chỉ ở một bên của cơ thể. Nếu đau đầu ở não trái thì triệu chứng tê liệt sẽ xuất hiện ở phần cơ thể bên phải và ngược lại. Người bị đột quỵ không thể giơ cả 2 cánh tay lên cùng một lúc được.

Biểu hiện qua giọng nói: người bị đột quỵ gặp rắc rối trong việc phát âm (nói ngọng, nói không rõ chữ) và gặp khó khăn để hiểu được lời nói của người khác.

Biểu hiện thần kinh: xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, thường kèm theo nôn mửa.

Biểu hiện qua nhận thức: người bị đột quỵ có dấu hiệu rối loạn trí nhớ, không nhận thức được các hành vi của bản thân, thính giác kém.

Biểu hiện qua vận động: dễ vấp ngã hoặc bị chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp các cử động tay chân.

Các triệu chứng chung 1

Các triệu chứng đột quỵ thường hay xảy ra ở nữ giới

  • Nôn mửa
  • Gặp ảo giác
  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Mất ý thức hoặc ngất xỉu
  • Co giật
  • Phản ứng chậm, mất phương hướng
  • Thay đổi hành vi đột ngột, dễ bị kích động

Các triệu chứng đột quỵ thường hay xảy ra ở nam giới

  • Cơ mặt bị xệ và rủ xuống
  • Miệng bị méo khi nói chuyện hoặc cười
  • Nói chậm chạm, khó khăn khi phát âm và thường xuyên phải để người khác nhắc lại nhiều lần thì mới hiểu được họ nói gì
  • Yếu cơ tay hoặc chân dẫn đến tê liệt một phần cơ thể.

Đột quỵ có nguy hiểm không? Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đột quỵ

Đột quỵ là dạng bệnh tổn thương hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay trên thế giới.

Theo thống kê (nguồn VTV) thì tại Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm, trong đó hơn 50% trường hợp tử vong. Những người sống sót sau cơn đột quỵ thường phải chịu những di chứng nặng nề, chỉ còn khoảng 10% trong số đó là có thể bình phục hoàn toàn.

Đột quỵ có nguy hiểm không? Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đột quỵ 1

90% bệnh nhân sống sót sau đột quỵ bị mắc phải khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não bộ bị ngưng trệ cung cấp máu. Đột quỵ gây ra các biến chứng rất nguy hiểm bao gồm:

Tê liệt cơ bắp: Hay nói cách khách là mất đi khả năng vận động, bạn có thể bị tê liệt một bên hoặc một phần nhỏ trên cơ thể chẳng hạn như nửa mặt hoặc một bên cánh tay. Những trường hợp nặng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những hoạt đông sinh hoạt thường ngày như là mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, ăn uống hoặc đi lại. Không chỉ vậy, cũng có nhiều người bị viêm loét do nằm liệt trên giường một thời gian dài. Một số trường hợp có thể cải thiện chức năng vận động thông qua trị liệu vật lý sau này, nhưng quá trình rèn luyện chắc chắn sẽ mất khá nhiều thời gian.

Gặp khó khăn khi nói chuyện hoặc nuốt: Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát các cơ trong miệng và cổ họng của người bệnh, khiến họ khó nói chuyện rõ ràng, khó nuốt hoặc ăn. Người bệnh sẽ gặp vấn đề khi không hiểu người khác nói gì, nói ra những từ vô nghĩa hoặc gặp khó khăn khi đọc/viết.

Suy giảm trí nhớ và nhận thức: Sau đột quỵ không ít người gặp biến chứng gây ảnh hưởng tới các chức năng nhận thức, trong đó chủ yếu là suy giảm khả năng ghi nhớ, kém minh mẫn thậm chí là mắc các bệnh sa sút chí tuệ như là Alzheimer, Parkinson.

Đau não: những cơn đau này được gây ra bởi một vấn đề trong não của bạn, chứ không phải là một chấn thương thực thể, hiện nay có rất ít phương pháp điều trị đau não.

Rối loạn cảm xúc: Những người bị đột quỵ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiểm soát cảm xúc. Họ ít giao tiếp, sống thu mình hơn, dễ bị kích động và rơi vào trạng thái trầm cảm.

Giác quan nhạy cảm: các giác quan trên cơ thể yếu và nhạy cảm hơn trước, tình trạng này thường phát triển vài tuần sau đột quỵ, như là thính giác kém, da bị nhạy cảm khi tiếp xúc với không khí lạnh…

Biến chứng về tim mạch: sau đột quỵ làm tăng nguy cơ bị đau tim do liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch.

Các biến chứng khác: viêm phổi, phù nề não, đau mỏi cơ thể, động kinh, thị lực giảm sút, đi tiểu không tự chủ, nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu…

Nguyên nhân hình thành cơn đột quỵ?

Nguyên nhân của đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ. Ba loại đột quỵ chính là đột quỵ thiếu máu não thoáng qua (TIA), đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.

Nguyên nhân hình thành cơn đột quỵ? 1

Nguyên nhân gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ thoáng qua

TIA được gây ra bởi sự tắc nghẽn tạm thời trong động mạch dẫn đến não. Sự tắc nghẽn, điển hình là cục máu đông, ngăn máu chảy đến một số phần của não. Một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ thoáng qua thường kéo dài trong vài phút cho đến vài giờ, sau khi dòng chảy máu lưu thông và lưu lượng máu được phục hồi thì các triệu chứng đột quỵ sẽ biến mất.

Người ta cho rằng TIA không đáng lo ngại, nhưng thực ra nếu một người bị TIA thì họ sẽ có nguy cơ rất cao gặp phải cơn đột quỵ nguy hiểm trong tương lai vì vậy cần phải điều trị khẩn cấp.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ

Giống như TIA, đột quỵ thiếu máu cục bộ được gây ra bởi sự tắc nghẽn máu trong động mạch dẫn đến não. Sự tắc nghẽn này có thể là cục máu đông hoặc nó có thể được gây ra bởi chứng xơ vữa động mạch. Với tình trạng này, các mảng xơ vữa tích tụ trên thành mạch máu. Một mảnh của mảng bám có thể vỡ ra và nằm trong động mạch ngăn chặn dòng máu chảy và gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ xuất huyết

Mặt khác, đột quỵ xuất huyết là do vỡ hoặc rò rỉ mạch máu. Máu thoát ra và thấm vào xung quanh các mô của não, gây ra áp lực và làm hỏng các tế bào não.

Có hai nguyên nhân có thể gây ra đột quỵ xuất huyết.

  1. Thứ nhất là chứng phình động mạch có thể được gây ra bởi huyết áp cao . Ít thường xuyên hơn, đó là tình trạng dị tật động mạch. Trường hợp này xảy ra khi có một kết nối bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch của bạn dẫn đến chảy máu trong não.
  2. Một vài trường hợp khác gây xuất huyết chảy máu não đó là: rối loạn đông cầm máu, chảy máu trong ổ nhồi máu não, xuất huyết não không rõ nguyên nhân.

Các căn bệnh tiềm ẩn dễ gây đột quỵ

  • Những người có huyết áp cao hơn 120/80 mm Hg (chiếm 80% bệnh nhân đột quỵ).
  • Những người bị bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường loại 2
  • Những người bị xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hoá mỡ.
  • Những người có vấn đề về tim mạch như: suy tim, hở van tim, suy tim, dị tật tim, nhiễm trùng tim hoặc có nhịp tim bất thường
  • Những người bị chứng ngưng thở trong khi ngủ
  • Người bị béo phì

Các yếu tố nguy cơ khác gây ra đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ khác gây ra đột quỵ 1

Lạm dụng chất kích thích: thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá. Các chất kích thích như rượu bia là tác nhân làm tăng mức huyết áp cũng như chất béo trung tính trong cơ thể gây ra xơ vữa động mạch. Hút nhiều thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, vì nó có thể làm tăng huyết áp, hỏng mạch máu và tim của bạn do tác động của nicotine.

Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh: như ăn nhiều muối, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol.

Lười vận động: Những người ít tập thể dục, ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Tiền sử bệnh tật gia đình: Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở một số gia đình vì các vấn đề sức khỏe di truyền, chẳng hạn như huyết áp cao. Hoặc là tiền sử trong gia đình đã từng có người bị đột quỵ, đau tim hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua

Tuổi tác: Bạn càng lớn tuổi, bạn càng dễ bị đột quỵ. Theo thông tin từ trang Healtline.com thì phụ nữ có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn nam giới, độ tuổi dễ gặp những cơn đột quỵ nhất là >55 tuổi. Tuy vậy hiện nay căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa với nhóm người từ 40 – 45 tuổi do lối sống thiếu khoa học.

Làm thế nào để chẩn đoán đột quỵ?

Để chẩn đoán một người có phải bị đột quỵ hay không bác sỹ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như được mô tả ở trên. Đồng thời bác sỹ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh đột quỵ của các thành viên trong gia đình (nếu có), bạn đang sử dụng loại thuốc gì, bạn có đang mắc bệnh gì hay không. Tiếp theo, bạn sẽ được thực hiện nhiều loại xét nghiệm để kiểm tra huyết áp, nhịp tim, thị lực, ngoài ra có thể có một bài kiểm tra thể chất để đánh giá về khả năng vận động của bạn.

Các xét nghiệm để chẩn đoán đột quỵ

Bạn có thể trải qua các xét nghiệm khác nhau để giúp bác sĩ xác định xem tình trạng của bạn có phải là bị đột quỵ hay là do một căn nguyên khác gây ra. Những xét nghiệm này bao gồm:

Xét nghiệm máu

Các chuyên gia y tế có thể lấy mẫu máu của bạn để xét nghiệm, thông qua đó phân tích lượng đường trong máu, mức tiểu cầu hay xem xét thời gian máu đông nhanh hay chậm ra sao để chẩn đoán bệnh.

Chụp MRI và CT chi tiết não.

Bạn có thể trải qua một hoặc cả hai lần chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) .

Chụp MRI để kiểm tra xem các mô trong não có dấu hiệu bị tổn thương hay không.

Còn việc thực hiện chụp CT bằng cách sử dụng nhiều tia X để tạo ra một hình ảnh chi tiết và rõ ràng về não bộ của người bệnh giúp xác định liệu có khối u, chấn thương ở não, tụ máu nội sọ hoặc các bất thường trong cấu trúc như não úng thủy, nhiễm trùng não hoặc các bệnh lý khác hay không. Những dấu hiệu này có thể chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra đột quỵ.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ giúp xác định có hay không một cơn đau tim thông qua việc đo nhịp đập của tim, hoạt động của điện trong tim để biết rằng đây có phải là nguyên nhân gây ra đột quỵ hay không.

Chụp cắt lớp dựng hình mạch máu não

Giúp phát hiện kịp thời các tổn thương nhồi máu não và xuất huyết não. Điều này cung cấp một cái nhìn chi tiết về các động mạch ở cổ và não của bạn. Xét nghiệm có thể cho thấy tắc nghẽn hoặc cục máu đông có thể gây ra các triệu chứng.

Siêu âm động mạch cảnh

Siêu âm động mạch cảnh để kiểm tra liệu có khả năng tồn tại các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh và túi phình của bạn. Nó cũng có thể cho thấy liệu các động mạch cảnh của bạn đã bị thu hẹp hoặc bị chặn.

Siêu âm tim

Siêu âm tim để kiểm tra cách tim co bóp, sức bơm của tim có bình thường không, kiểm tra trường hợp có thể xuất hiện những cục máu đông hoặc khối u xung quanh van tim. Những cục máu đông này có thể đã di chuyển đến não của bạn và gây ra đột quỵ.

KẾT LUẬN

Các triệu chứng của cơn đột quỵ rất dễ nhận biết, tùy vào tình trạng sức khỏe mà các dấu hiệu có thể xảy đến khác nhau. Nếu bạn phát hiện bản thân hoặc ai đó có một vài hay tất cả những biểu hiện như trên bạn nên gọi điện thoại cấp cứu ngay lập tức. Bởi vì khung thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ chỉ vỏn vẹn 3 -4 tiếng đồng hồ từ khi có biểu hiện đột quỵ, mỗi giây phút qua đi mức đột tổn thương và biến chứng của cơn đột quỵ tới hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể càng nghiêm trọng hơn nhiều.

Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về cách xử lý khi gặp người bị đột quỵ, hãy đọc thêm bài viết này: Hướng dẫn cách xử lý và sơ cứu khi bạn gặp một người bị đột quỵ.

0/5 (0 Reviews)
Có thể bạn quan tâm:

Ý kiến của bạn

Hỗ trợ trực tuyến