Hướng dẫn chăm sóc toàn diện người bệnh sau tai biến tại nhà

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. 2/3 trường hợp sống sót sau tai biến sẽ phải chịu đựng một di chứng nào đó theo từng cấp độ nghiêm trọng khác nhau, nhẹ thì tê yếu tay chân, khả năng lao động suy giảm nặng thì liệt nửa người, mất khả năng nói, rối loạn cảm xúc.

Hướng dẫn chăm sóc toàn diện người bệnh sau tai biến tại nhà 1

Các biến chứng sau tai biến đã tạo ra gánh nặng lớn với chính người bệnh và gia đình họ cũng như toàn thể xã hội. Vì vậy, công tác chăm sóc bệnh nhân sau tai biến là điều rất quan trọng để hỗ trợ phục hồi chức năng sớm và phòng ngừa nguy cơ tái phát.

Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể về công tác chăm sóc toàn diện cho người bệnh sau tai biến:

Chăm sóc về tinh thần

Người bệnh sau tai biến có thể bị rối loạn cảm xúc, thay đổi cách suy nghĩ, trở nên nhạy cảm hơn với thế giới xung quanh.

Có tới 30 – 50% bệnh nhân bị trầm cảm sau tai biến. Trầm cảm hay những rối loạn cảm xúc khác đã được chứng minh là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến khả năng phục hồi của bệnh nhân sau tai biến.

Trầm cảm có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu người thân trong gia đình không lưu ý đến việc chăm sóc tinh thần cho người bệnh. Do đó, chúng ta luôn cần quan sát kĩ những biểu hiện lạ của người bệnh để xử lý kịp thời.

Người thân trong gia đình nên thường xuyên động viên tinh thần, tránh thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh gây ảnh hưởng tới tâm lý của bệnh nhân.

Chăm sóc về tinh thần 1

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với người chăm sóc là tìm hiểu đầy đủ kiến thức về bệnh. Vì thế hãy tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu kiến thức về bệnh tai biến để có thể giúp đỡ người thân yêu của mình. Chúng ta sẽ biết được dấu hiệu của một người đang bị tai biến, làm sao để giúp họ trong những tình huống khẩn cấp, lên kế hoạch chăm sóc chu đáo cho họ trong thời gian hồi phục chức năng sau điều trị…

Không được cô lập người bệnh một mình 24/24 để tránh rơi vào trạng thái u uất. Nên tạo điều kiện cho họ gặp gỡ bạn bè, hàng xóm xung quanh để chuyện trò, giao lưu để cải thiện suy nghĩ lạc quan hơn, tích cực hơn.

Sau cơn đột quỵ, chính bản thân bệnh nhân là người mất mát nhiều nhất và chỉ có họ mới cảm nhận được điều đó. Đừng cố gắng nói với họ rằng bạn biết họ đang cảm thấy thế nào, bởi vì bạn thực sự không biết điều này. Thay vào đó hãy chia sẻ và giúp đỡ người bệnh bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn.

Tuy nhiên, người bị rối loạn cảm xúc sau tai biến thường cực kì nhạy cảm, đừng để sự giúp đỡ của bạn làm họ cảm thấy bản thân vô dụng, phụ thuộc vào người khác. Vì thế nếu như những hoạt động nào họ có thể tự làm được hãy động viên để họ tích cực thực hiện, bạn chỉ nên giúp khi họ cần, để họ nhận ra bản thân là người có ích. Đây là yếu tố chen chốt để hóa giải rào cản tâm lý ở người bệnh sau tai biến.

Chăm sóc cơ thể

Vệ sinh cá nhân

Công tác chăm sóc vệ sinh cá nhân với người bệnh sau tai biến bao gồm vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, hỗ trợ đại tiểu tiện, thay trang phục hằng ngày.

Người sau đột quỵ có thể bị yếu tay chân hoặc liệt hoàn toàn, do đó những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân họ cần được sự giúp đỡ một phần hoặc hoàn toàn từ người thân trong gia đình. Do đó, bạn cần chú ý đến những điều sau:

✔ Tắm rửa sạch sẽ hằng ngày, gội đầu 2-3 lần mỗi tuần. Nên sử dụng nước ấm 37-45 độ để tắm gội, không dùng nước lạnh, tắm trong phòng kín gió, sàn nhà ít trơn trượt, thời gian tắm không quá lâu chỉ từ 5 đến 7 phút, không tắm vào buổi tối hoặc tắm nơi có gió lùa nhất là những người bị huyết áp cao. Sau khi tắm hãy lau khô cơ thể rồi mới mặc quần áo.

✔ Đánh răng sau khi ăn để tránh mắc các vấn đề về răng lợi, sử dụng bàn chải mềm đánh răng làm sạch răng, lưỡi và khoang miệng. Không nên dùng nước súc miệng vì có cồn dễ gây tình trạng khô miệng.

✔ Một số bệnh nhân bị biến chứng nặng liệt nửa người, bán thân bất toại nên không thể tự chủ được việc đại tiểu tiện của bạn thân do sự ảnh hưởng của các dây thần kinh điều khiển cơ tròn. Vì thế cách xử lý tốt nhất là đóng bỉm đồng thời sử dụng đệm lót chống tràn và thay thường xuyên đối với bệnh nhân nữ và dùng ống tiểu đối với bệnh nhân nam. Cần vệ sinh sạch sẽ vùng đại tiểu tiện để tránh bị viêm nhiễm.

Vệ sinh chỗ ngủ

Đảm bảo không gian yên tĩnh, an toàn cho người bệnh khi nghỉ ngơi, tránh trạng thái căng thẳng, xúc động mạnh gây mất ngủ.

Bệnh nhân thường nằm lâu một chỗ, ăn uống ngay tại giường thế nên chăn chiếu sẽ dễ bị bẩn do đó cần phải thay giặt thường xuyên hơn.

Vệ sinh phòng ngủ của người bệnh sạch sẽ, khô ráo, thoáng khí và luôn trong tầm mắt của người nhà để tiện lợi cho việc chăm sóc và theo dõi.

Đề phòng loét da do nằm lâu.

Chăm sóc cơ thể 1

Để chống loét cho bệnh nhân, cần lăn chuyển tư thế để thay đổi điểm tì cứ 2-3 h trở mình một lần để máu được lưu thông, da không bị lở loét.

Thường xuyên xoa bóp những phần da hay tì đè như là lưng, gót chân, mông, bả vai… để vùng da đó không bị viêm loét, lưu ý thực hiện nhẹ nhàng để không làm da trợt lở. Đồng thời nên xoa rượu hay phẫn rôm vào những vị trí hay tì đè để giữ cho da khô ráo.

Xoa bóp tay chân phần bị liệt nhiều hơn, thực hiện các động tác vận động thụ động để máu được tuần hoàn tránh co cứng cơ, teo cơ.

Đề phòng các biến chứng về hô hấp

Bệnh nhân sau tai biến thường lằm lâu, ít vận động bở vậy họ dễ mắc phải các biến chứng đường hô hấp như là viêm phổi, ho, tắc nghẽn đường thở vì có nhiều đờm dãi. Thế nên, người nhà nên cho bệnh nhân ngồi dậy, vỗ lưng hằng ngày để bệnh nhân có thể khác được đờm dãi ra ngoài.

Chăm sóc về dinh dưỡng

Chăm sóc về dinh dưỡng 1

Bệnh cạnh việc chăm sóc vệ sinh cá nhân hằng ngày thì việc chăm sóc về dinh dưỡng cũng là điều cực kì quan trọng để giúp cơ thể người bệnh phục hồi nhanh chóng.

Bạn nên xây dựng một thực đơn lành mạnh với đầy đủ nhóm dinh dưỡng cần thiết giúp phục hồi tổn thương não bộ, tăng cường đề kháng cho cơ thể. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch dinh dưỡng đầy đủ.

Người ốm nên ăn những món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, hạn chế sử dụng muối, chất béo, dầu mỡ chiên rán, kiêng tuyệt đối rượu bia và các chất kích thích khác.

Tránh ăn các món ăn dai, cứng, nhiều xơ vì nó có thể khiến người bệnh bị hóc, nghẹn hoặc khó tiêu.

Lưu ý về tư thế khi ăn uống:

  • Khi cho ăn uống thì dùng gối kê sau lưng, lưng luôn có điểm tựa là giường hoặc ghế, không được để cho chân lơ lửng, mất thăng bằng.
  • Sau khi ăn xong, nên để người bệnh ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng 15-20 phút giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, tránh bị trào ngược thực quản.
  • Trường hợp bệnh nhân không thể ăn uống bằng đường miệng được thì có thể dùng ống sông hoặc truyền dịch trực tiếp vào dạ dày.

Xem đầy đủ: Bệnh nhân sau tai biến nên ăn gì  – uống gì?

Theo dõi việc sử dụng thuốc của người bệnh

Theo dõi việc sử dụng thuốc của người bệnh 1

Hầu hết, bệnh nhân sống sót sau đột quỵ đều phải sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc làm loãng máu, thuốc kiểm soát cholesterol, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống động kinh, thuốc lợi tiểu…

Chính vì thế, người thân trong gia đình cần quan tâm và theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc hằng ngày của người bị bệnh:

  • Hướng dẫn và giải thích cho người bệnh về việc sử dụng thuốc.
  • Cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm tra tên thuốc đúng đủ liều lượng trước khi dùng.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc.
  • Cần đảm bảo rằng người bệnh đã uống thuốc trước sự chứng kiến của người chăm sóc.
  • Đánh dấu các nhóm thuốc sử dụng hoặc dùng hộp thuốc chia sẵn liều để tránh bị quên hoặc thiếu thuốc.
  • Nên đặt báo thức hẹn giờ cho bệnh nhân uống đúng thời điểm.

Cần theo dõi và phát hiện những tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình dùng thuốc, báo cáo kịp thời cho bác sĩ để có hướng xử lí. Bệnh nhân cần được tái khám đúng hẹn để được điều trị liên tục, nếu có những thay đổi trong đơn thuốc hoặc lưu ý nào khác thì bác sĩ sẽ thảo luận với người nhà để nắm được và áp dụng đúng cách.

Chăm sóc hồi phục chức năng tại nhà

Việc phục hồi các chức năng sau tai biến là một quá trình chiến đấu lâu dài. Do đó, việc tập luyện để phục hồi chức năng nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

Giai đoạn đầu từ 3-6 tháng, các bệnh nhân thường được luyện tập phục hồi chức năng tại các trung tâm phục hồi chức năng chuyên nghiệp. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tập luyện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và các kỹ thuật viên có chuyên môn với các bài tập cải thiện khả năng vận động, ngôn ngữ, tâm lý, giác quan. Mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ luyện tập khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của di chứng sau tai biến.

Chăm sóc hồi phục chức năng tại nhà 1

Sau thời gian này, việc phục hồi chức năng sẽ tiếp tục  thực hiện tại nhà dưới sự hướng dẫn của người thân trong gia đình. Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ y tế tại nhà rất phổ biến, bạn có thể thuê dịch vụ bác sĩ gia đình để giúp bệnh nhân tập luyện, có sự giám sát của người có chuyên môn, bệnh nhân sẽ được phục hồi nhanh hơn.

Nếu không có điều kiện thì bạn nên tham gia một vài khóa tập huấn trị liệu để có thể sẵn sàng hỗ trợ người bệnh trong quá trình phục hồi sau tai biến.

Thực hiện việc tập luyện với cường độ vừa phải 2-3 lần mỗi ngày tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Không gây áp lực bằng cách bắt họ phải tập luyện quá nhiều. Hãy cổ vũ người bệnh sau mỗi lần tập luyện để tạo thêm động lực cho họ kiên trì thực hiện.

Vật lí trị liệu

Giai đoạn đầu, khi cơ thể còn yếu chưa cử động được nhiều thì người bệnh được tập các động tác nhẹ nhàng như xoay lật người, cầm nắm đồ vật, nâng tay chân…

Ở giai đoạn tiếp theo, người bệnh có thể tập được những động tác khó hơn như tập ngồi dậy, đi đứng, để lấy lại các chuyển động bình thường.

Người nhà có thể chuẩn bị một số dụng cụ hỗ trợ cần thiết trong quá trình tập luyện của bệnh nhân như là xe lăn, khung tập đi, tạ nâng, dây cao su…

Ngôn ngữ trị liệu

Chăm sóc hồi phục chức năng tại nhà 2

Các bài tập ngôn ngữ trị liệu phải bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất như các từ đơn (đếm bảng chữ cái, số, đọc ngày tháng, đọc tên người nhà, đồ vật xung quanh, kể tên các loại hoa quả), sau đó tập phát âm các câu đơn giản rồi mới đến câu ghép, câu phức tạp (mô tả lại hình ảnh bằng các câu phức tạp hơn, đọc lại những bài báo hoặc kể lại một câu chuyện nào đó).

Bệnh nhân có thể cần tới 40 – 100h đồng hồ suốt nhiều tháng để có thể phục hồi được chức năng ngôn ngữ.

Trị liệu giác quan

Bệnh nhân sau tai biến có thể suy giảm độ nhạy các giác quan chẳng hạn như là mắt mờ, thính giác yếu, tay chân tê bì mất cảm giác, không có nhận định rõ ràng về mùi vị của đồ ăn thức uống. Chính vì thế, bệnh nhân cần được hướng dẫn các bài tập để lấy lại sự nhạy cảm của các giác quan này.

Ví dụ một số bài tập:

  • Bài tập phân biệt nhiệt độ: chuẩn bị 2 cốc nước một cốc nước ấm và một cốc nước mát. Sau đó cho người bệnh chạm vào lần lượt từng cốc để nhận biết cốc nào là nóng, cốc nào là lạnh.
  • Bài tập cải thiện thính giác: cho người bệnh nghe âm thanh của nhiều loài động vật và học cách phân biệt.
  • Bài tập trị liệu cảm ứng: cho người bệnh dùng tay chạm vào nhiều đồ vật với các chất liệu khác nhau (không để người bệnh nhìn thấy), tập cho họ phân biệt các chất liệu ấy.

Hãy nhớ, việc luyện tập phục hồi chức năng sau tai biến cần có sự kiên trì và quyết tâm từ hai phía đó là bản thân bệnh nhân và người thân trong gia đình. Với các bài tập trị liệu phục hồi chức năng thì người nhà nên khuyến khích để bệnh nhân tự vận động nhiều nhất có thể, người nhà chỉ hỗ trợ khi họ không thể tự làm được. Cần thực hiện từ từ để bệnh nhân làm quen dần với các cấp độ khó khác nhau, tránh để người bệnh cảm thấy nhụt chí từ bỏ việc tập luyện.

 

3/5 (1 Review)
Có thể bạn quan tâm:

Ý kiến của bạn

Hỗ trợ trực tuyến