Tìm hiểu về các phương pháp mổ tai biến mạch máu não

Tìm hiểu về các phương pháp mổ tai biến mạch máu não 1

Nếu điều trị nội khoa (sử dụng thuốc, hồi sức tim phổi,…) không có hiệu quả, các bệnh nhân tai biến mạch máu não sẽ được chỉ định mổ theo từng phương pháp khác nhau. Mục tiêu của các phương pháp phẫu thuật điều trị tai biến hiện nay là giảm nguy cơ tử vong cao nhất và hạn chế tối đa di chứng để lại sau tai biến.

Xem phần trước: Các loại thuốc điều trị và phòng ngừa tai biến

1. Phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp, lấy máu tụ

Đa phần những cơn tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc tai biến nhẹ không gây ra phù não đáng kể. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp tai biến mạch máu não có thể gây phù và chảy máu não ở mức nghiêm trọng. Khi đó việc điều trị nội khoa bằng thuốc và các biện pháp hồi sức tích cực không có hiệu quả và người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Chẳng hạn, khi một cơn tai biến nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu lên phần não giữa, thì toàn bộ nửa bán cầu não sẽ bị thiếu máu gây ra đột tử và làm cho cả một bên bán cầu não bị sưng phù.

Bởi vì não được bao bọc trong hộp sọ, thể tích não tăng lên (do phù gây ra) sẽ dẫn đến sự gia tăng áp lực nội sọ, từ đó vùng tổn thương não sẽ lan rộng hơn so với ban đầu và có thể gây ra những hậu quả nặng nề.

Về lâu dài, khi áp lực nội sọ gia tăng, tuần hoàn máu não càng chậm thì các tế bào trong não sẽ chết đi càng nhanh hơn. Vì vậy, trong tình huống đó, biện pháp tốt nhất để giảm áp lực nội sọ, tránh nguy cơ tử vong đó là mổ sọ để giải áp.

1. Phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp, lấy máu tụ 1

Phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp được thực hiện thế nào?

Trong công tác này, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, các bác sĩ phẫu thuật sẽ tạm thời cắt bỏ một phần xương hộp sọ và bảo quản đông lạnh ở trung tâm bảo quản mô. Sau khi mở được hộp sọ, phẫn não bên trong sẽ thoát khỏi sự chèn ép của hộp sọ, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu tụ và tìm vị trí chảy máu để cầm máu. Sau 1 – 3 tháng khi bệnh nhân đã phục hồi, một ca phẫu thuật lần 2 sẽ được tiến hành để ghép lại mảnh xương sọ lúc ban đầu.

Phẫu thuật mở hộp sọ giảm áp, thực hiện với đối tượng nào?

Cả bệnh nhân bị tai biến xuất huyết và nhồi máu não đều có thể được chỉ định phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp lực nội sọ bên trong não. Đa phần, thủ thuật này áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị phù não nghiêm trọng.

Phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp thường áp dụng trong những điều kiện sau:

  • Những bệnh nhân từ 18 – 60 tuổi, có đường kính nắp sọ ≥12cm (không khuyến khích với những bệnh nhân cao tuổi >75 tuổi).
  • Bệnh nhân tai biến khởi phát trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
  • Không có tình trạng chảy máu các tạng.
  • Chưa giãn đồng tử hoặc có giãn đồng tử nhưng đáp ứng với manitol.
  • Không có tái tạo hộp sọ trong vòng 6 tuần – 6 tháng.
  • Bệnh nhân có thang điểm hôn mê Glasgow < 9 điểm.
  • Não thất IV bị di lệch, đè đẩy, giãn não thất (có thể nhìn thấy qua hình ảnh CT scan).
  • Nhồi máu rõ của ≥ 2/3 của lĩnh vực động mạch não giữa hay nhồi máu tiểu não với dấu hiệu tăng áp lực trong sọ (ALTS), tràn dịch não thất hay chèn ép thân não.

Vì phương pháp này có nhiều rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật, do đó cần được sự đồng ý của người nhà trước khi thực hiện để cân nhắc giữa lợi ích giữ lại tính mạng và những di chứng để lại sau đó.

Biến chứng có thể gặp sau khi mổ mở hộp sọ

Phẫu thuật mở hộp sọ là một cuộc phẫu thuật lớn, chính vì thế nó có thể để lại nhiều di chứng về sau. Chính vì thế, ca phẫu thuật phải được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia y tế có kinh nghiệm cao. Đồng thời, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ sau thời gian mổ để có thể phát hiện kịp thời và xử lý biến chứng.

Dưới đây là các biến chứng mà bệnh nhân sau khi phẫu thuật mở hộp sọ có thể gặp phải:

1/ Đau đầu sau khi mổ: Do tác dụng của thuốc gây mê đã hết nên đa phần các bệnh nhân sau khi phẫu thuật mở hộp sọ đều cảm thấy đau đớn dữ dội, hoa mắt, chóng mặt và mất thăng bằng. Bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân một đơn thuốc giảm đau để khắc phục tình hình.

2/ Chảy máu sau khi mổ: một ổ máu nhỏ có thể tiếp tục chảy máu sau khi phẫu thuật. Những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh gan, xơ gan, lượng tiểu cầu thấp hoặc nghiện bia rượu có nguy cơ cao chảy máu không kiểm soát trong và sau khi mổ.

3/ Vết mổ bị nhiễm trùng: nếu thủ thuật thực hiện không đảm bảo đúng quy trình, vết mổ có thể bị nhiễm trùng với các biểu hiện như mưng mủ, sưng tấy và đau.

4/ Máu tụ dưới màng cứng: máu chảy tràn vào các khoang trong não khiến bệnh nhân mất tri giác, hôn mê sâu. Với trường hợp này cần phải chọc hút hoặc dẫn lưu dịch máu tụ ra ngoài để khắc phục tình hình.

5/ Nắp sọ quá nhỏ: nắp sọ quá nhỏ có thể gây chảy máu não, gây thoát vị não, tĩnh mạch bị rách bởi gờ xương sọ, hoại tử và phù não.

6/ Não úng thủy: đây là tình trạng dịch não tủy bị ứ trệ quá nhiều khiến cho áp lực trong sọ tăng lên, biến chứng ngày có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

2. Phẫu thuật chọc hút dẫn lưu máu tụ kèm bơm chất tiêu sợi huyết

2. Phẫu thuật chọc hút dẫn lưu máu tụ kèm bơm chất tiêu sợi huyết 1

Phương pháp phẫu thuật mở sọ giải áp thường được áp dụng với những bệnh nhân tai biến có khối huyết tụ lớn thể tích hơn 30ml, đè đẩy đường giữa >10mm, điều trị nội khoa không có hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp xuất huyết não với thể tích khối máu tụ lớn >30ml nhưng đè đẩy đường giữa không đáng kể và có thời gian nhập viện sớm (từ 12 -72h), tình trạng tri giác, thang điểm hôn mê từ 9-12 điểm thì phương pháp phẫu thuật mở hộp sọ giải áp ít hiệu quả mà có nhiều rủi ro làm gia tăng tình trạng nghiêm trọng của người bệnh.

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật chọc hút dẫn lưu được coi là phương pháp tối ưu giúp giải quyết tình trạng này. Với những trường hợp bệnh nhân có tình trạng như trên, kỹ thuật chọc hút dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị không khung kết hợp với việc tiêm chất tiêu sợi huyết (rt-PA) có thể loại bỏ sớm ổ máu tụ cũng như giảm thiểu nguy cơ phù não muộn.

3. Phẫu thuật phình động mạch não

Khi lớp nội mạc tại thành mạch máu nào đó bị suy yếu và mỏng đi thì vị trí mạch máu tại đó dễ bị phình lên và có thể bị vỡ đột ngột gây xuất huyết não – người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Phần nhiều, tình trạng xuất huyết do mạch máu căng phồng và bị vỡ thường xảy ra ở khoang giữa bao quanh não bộ và não bộ.

  • Máu chảy sẽ tràn vào khoang dưới màng nhện gây ra xuất huyết khoang dưới nhện.
  • Máu chảy tràn vào dịch não tủy hay nhu mô não gây ra những khối huyết tụ

? Điều này có thể làm cho các tế bào não bị tổn thương hoặc chết đi nhanh chóng.

Nếu tình trạng xuất huyết tái diễn lần thứ hai, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ tàn tật lâu dài từ 60 – 80%. Do đó, mục tiêu xử lý phình mạch máu não là nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất huyết lần hai. Lựa chọn phương pháp điều trị nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân, kích thước, vị trí và tình trạng của túi phình.

Nếu sau khi xử lý phình mạch máu mà không có dấu hiệu tái phát, hình ảnh chụp mạch máu qua CTscan không thấy dấu hiệu bất thường, không xâm lấn thì chứng tỏ phẫu thuật phình động mạch não đã thành công.

Hiện nay có 2 phương pháp chính để xử lý phình mạch máu não, đó là:

Phẫu thuật mở hộp sọ kẹp túi phình mạch máu não

Phẫu thuật mở hộp sọ kẹp túi phình mạch máu não 1

Bệnh nhân được gây mê toàn thân và mở hộp sọ để tiếp cận với não và hệ thống mạch máu bên trong. Sau khi xác định được túi phình, người ta sẽ dùng một chiếc kẹp bằng kim loại để kẹp vào cổ của túi phình (dụng cụ kẹp túi phình bằng kim loại có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau). Từ đó, dòng máu không chảy vào túi phình nữa.

Phương pháp này vẫn là một kỹ thuật phức tạp, xâm lấn sâu nên có thể gây ra nhiều biến chứng sau phẫu thuật cho người bệnh.

Phương pháp nút mạch (can thiệp nội mạch)

Phương pháp nút mạch là một kỹ thuật ít xâm lân. Các bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ để luồn qua động mạch đùi lên tới não. Một dây xoắn (Coil) sẽ được đưa qua ống thông đến túi phình mạch não, làm tắc nghẽn khiến cho máu không chảy vào túi phình. Đây là một kỹ thuật khó trong can thiệp thần kinh, tuy nhiên nó là một lựa chọn khá tối ưu vì có hiệu quả cao và an toàn trong điều trị tai biến bởi không cần mở hộp sọ.

Biến chứng thường gặp

Mặc dù 2 phương pháp này tiếp cận túi phình teo những cách khác nhau tuy nhiên, chúng đều có thể gây ra những biến chứng tương tự.

Túi phình bị vỡ bục là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất do phẫu thuật phình mạch não gây ra. Vỡ túi phình có thể khiến cho máu chảy ồ ạt trong não, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu thậm chí là tử vong.

Nguy cơ thứ hai là tai biến mạch nhồi máu não do suy giảm lượng oxy cũng cấp lên não.

4. Phẫu thuật mở hộp sọ để loại bỏ dị dạng động tĩnh mạch não (AVM)

Di dạng động tĩnh mạch (AVM) là một dạng bất thường mạch máu bẩm sinh của hệ thống mạch máu thần kinh trung ương. Dị dạng động tĩnh mạch được tạo thành từ mối liên kết vô cũng phức tạp giữa các động mạch và tĩnh mạch mà không có hệ thống mao mạch.

Di dạng động tĩnh mạch não là nguyên nhân của 2 – 4% các trường hợp bị tai biến xuất huyết mỗi năm. Trong đó có 30% trường hợp có nguy cơ tử vong, 25% trường hợp tàn phế suốt đời và nhiều di chứng nặng nề khác.

Những mạch máu dị dạng nhỏ càng nằm sâu bên trong não thì có nguy cơ xuất huyết càng cao. Để ngăn xuất huyết não, các chuyên gia y tế sẽ cần can thiệp bằng phẫu thuật mở hộp sọ để kẹp và cắt các mạch máu dị dạng.

Nguy cơ xuất huyết sẽ được loại bỏ sau khi lấy được toàn bộ tổn thương bên trong não, ca phẫu thuật thực hiện thành công.

Mặc dù vậy, nhưng đây là phương pháp mổ có tính chất xâm nhập lớn, can thiệp sâu vì vậy bệnh nhân có thể bị nhiều biến chứng trong tương lai nhất là những bệnh nhân bị tai biến do mạch máu di nạng nằm sâu trong não. (Các biến chứng như đã nêu ở phần trên)

5. Xạ phẫu dị dạng động tĩnh mạch

5. Xạ phẫu dị dạng động tĩnh mạch 1

Một số mạch máu dị dạng nằm ở vị trí quá sâu trong não, do đó phương pháp phẫu thuật thông thường không thể tiếp cận được vì có thể gây ra nhiều rủi ro ảnh hưởng tới các chức năng của não về sau. Bởi vậy trong trường hợp này, bệnh nhân tai biến có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp xạ phẫu.

Xạ phẫu dị dạng động tĩnh mạch được thực hiện thế nào?

Xạ phẫu điều trị AVM là phương pháp hội tụ các chùm tia bức xạ chiếu vào vùng dị dạng động tĩnh mạch não một cách chính xác để làm tiêu các ổ dị dạng mạch máu.

Quá trình xạ phẫu diễn ra nhiều lần với thời gian kéo dài để thu nhỏ từ từ và xóa tan AVM. Như vậy, bệnh nhân phải thực hiện xạ phẫu trong khoảng thời gian từ 1 – 3 năm để xóa hoàn toàn AVM.

Ưu điểm của phương pháp xạ phẫu

  • Đây là phương pháp điều trị không xâm nhập, không có rạch da, không cắt hộp sọ, không gây đau, không chảy máu
  • Người bệnh chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tinh táo trong suốt thời gian tiến hành xạ phẫu.
  • Thời gian hồi phục nhanh, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau điều trị.
  • Giảm biến chứng so với phẫu thuật mở hộp sọ, đặc biệt khi điều trị các dị dạng mạch máu não ở vị trí chức năng quan trọng mà phẫu thuật không thể giải quyết dược.

Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ điều trị AVM thành công sau xạ phẫu 3 năm đạt 50- 95%. Kết quả lâu dài sau xạ phẫu (5-14 năm) cho thấy rằng phần lớn bệnh nhân AVM (73%) giảm được nguy cơ xuất huyết. Kết quả điều trị tốt hơn ở những bệnh nhân có AVM nhỏ, ở vị trí ngoài vùng chức năng của não.

Các biến chứng của xạ phẫu AVM

Sau xạ phẫu bệnh nhân có thể gặp biến chứng phù não hoặc hoại tử não, mặc dù tỷ lệ gặp biến chứng này không cao. Đa phần bệnh nhân sẽ được sử dụng corticoid để cải thiện các triệu chứng do phù não gây ra.

Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ biến chứng chảy máu não nhưng rủi ro sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó bệnh nhân cần theo dõi định kì lâu dài để kiểm soát tai biến tái phát và những biến chứng không mong muốn.

Để bệnh nhân tai biến có thể phục hồi nhanh sau khi mổ, các bạn cần biết được những lưu ý khi chăm sóc người bệnh tại nhà. Để tìm hiểu điều này, các bạn có thể theo dõi bài viết sau: Hướng dẫn toàn diện chăm sóc bệnh nhân sau điều trị tai biến

 

0/5 (0 Reviews)
Có thể bạn quan tâm:

Ý kiến của bạn

Hỗ trợ trực tuyến