Đột quỵ (tai biến mạch máu não) có tỷ lệ tử vong tới 50% – là “kẻ giết người” hàng đầu trên thế giới chỉ xếp sau bệnh tim và nguy hiểm hơn nhiều so với các bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm thế kỉ (AIDS).
Nếu một người từng bị đột quỵ, họ có nguy cơ tái phát cao với tỷ lệ 25 -35%. Đột quỵ được điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao, biến chứng nguy hiểm càng giảm.
Hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị và phòng ngừa khác nhau được sử dụng cho bệnh nhân bị đột quỵ. Tuy nhiên, mỗi đơn thuốc sẽ được bác sĩ kê cụ thể dựa vào từng loại đột quỵ mà người bệnh mắc phải hoặc các nguyên nhân khác nhau gây ra đột quỵ.
Để tìm hiểu rõ hơn về các loại đột quỵ bạn có thể xem thêm bài viết: Các dạng đột quỵ, dạng nào nguy hiểm nhất?
Sau đây là thông tin chi tiết về thuốc điều trị và phòng chống đột qụy:
Mục lục
1.Thuốc làm loãng máu
Thuốc làm loãng máu được dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu cục bộ (loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm hơn 80% các trường hợp bị đột quỵ) và đột quỵ thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Hai loại đột quỵ này đều là do sự ảnh hưởng của các cục máu đông làm tắc một động mạch nào đó trong não gây ra đột qụy. Các loại thuốc làm loãng máu có tác dụng làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Thuốc làm loãng máu được chia làm 2 nhóm: chống đông máu và thuốc chống tiểu cầu.
1.1 Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa cục máu đông mới không xuất hiện và làm cho cục máu đông hiện tại không phát triển kích thước lớn hơn. Hiện nay Warfarin (Coumadin, Jantoven) là loại thuốc chính được sử dụng để chống đông máu. Thuốc vào cơ thể bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Loại thuốc này được chỉ định cho những người bị rung tâm nhĩ (nhịp tim không đều). Tuy nhiên, Warfarin cũng được sử dụng với những người bị đột quỵ để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Khi sử dụng Warfarin, bệnh nhân cần xét nghiệm máu định kì để kiểm tra nồng độ Warfarin trong máu. Người bệnh nên lưu ý tới chế độ ăn uống hằng ngày vì một số loại thực phẩm như là: bưởi, rau cải xanh, rau bina, súp lơ có chứa nhiều vitamin K nên có thể làm cho thuốc hấp thu kém hiệu quả hơn.
Warfarin có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu người sử dụng thuốc bị rối loạn chảy máu. Do đó trước khi được kê đơn thuốc điều trị đột quỵ, bệnh nhân cần khai báo đầy đủ tình trạng và tiền sử bệnh tật của bản thân. Nếu họ có bệnh này, bác sĩ sẽ xem xét một loại thuốc khác thay thế phù hợp hơn.
Ngoài ra, các nhóm thuốc khác cũng có tác dụng chống đông máu như là:
- Heparin – được tiêm vào tĩnh mạch để ngăn ngừa cục máu đông hình thành.
- Dabigatran, Apixaban, Rivaroxaban – sử dụng bằng đường uống trực tiếp.
Lưu ý:
Thông thường, những người bị huyết áp cao, đã từng bị chấn thương não thời gian trước hoặc người dễ bị té ngã, nghiện rượu bia thì không uống thuốc chống đông máu.
Khi bệnh nhân được kê đơn thuốc chống đông máu thì hãy thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh cần phải xét nghiệm máu định kì để xem mất bao lâu thì máu sẽ đông lại. Cố gắng tránh chấn thương trong mọi trường hợp vì thuốc chống đông máu có thể khiến họ bị chảy máu nhiều hơn.
1.2 Thuốc chống tiểu cầu
Thuốc chống tiểu cầu có tác dụng làm loãng máu giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành khối máu đông theo một cách khác.
Cụ thể là, khi da của chúng ta bị trầy xước làm máu chảy ra, các tế bào tiểu cầu sẽ liên hết với nhau để tạo thành các màng lưới máu đông ngăn không cho máu chảy tiếp diễn, từ đó tổn thương da dần được làm lành. Tương tự như vậy, khi một mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, các tiểu cầu sẽ liên kết với nhau tạo thành cục máu đông. Tuy nhiên, những cục máu đông này có thể chặn hẹp động mạch khiến cho mạch máu tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ.
Các loại thuốc chống tiểu cầu có tác dụng ngăn ngừa tiểu cầu kết dính với nhau từ đó các cục máu đông không hình thành.
Thuốc chống tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhất là Cetylsalicylic (ASA) hay còn gọi là Aspirin.
Ngoài ra, có các loại thuốc chống tiểu cầu khác bao gồm Clopidogrel, Dipyridamole và Ticlopidine.
Bệnh nhân sẽ phải sử dụng các loại thuốc này suốt một thời gian dài để phòng ngừa đột quỵ hoặc đau tim tái phát lần hai.
Nếu một người chưa bao giờ bị đột quỵ trước đó, thì họ chỉ nên sử dụng Aspirin như một loại thuốc phòng ngừa nếu họ bị bệnh tim hay xơ vữa động mạch.
Thuốc kháng tiểu cầu Aspirin có nguy cơ gây chảy máu cao. Do đó loại thuốc này không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho những bệnh nhân không bị bệnh tim hoặc xơ vữa động mạch.
2. Thuốc làm tan cục máu đông
Thuốc làm tan cục máu đông (thuốc làm tan huyết khối) là những chất kích hoạt Plasminogen mô (tPA) có tác dụng phá vỡ cục máu đông tồn tại trong mạch máu để dòng máu được lưu thông.
Đây là loại thuốc duy nhất hiện có để sử dụng như một biện pháp điều trị khẩn cấp trong cơn đột quỵ. Thuốc cần được sử dụng trong vòng 3 – 4,5 giờ sau khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu.
Thuốc tan huyết khối thường được truyền trực tiếp vào cơ thể thông qua tiêm tĩnh mạch bắp tay để hoạt động nhanh nhất có thể giúp giảm thiểu biến chứng nguy hiểm do đột qụy để lại.
Người sử dụng thuốc làm tan huyết khối có nguy cơ bị biến chứng chảy máu nguy hiểm trong một vài trường hợp.
3. Statin – thuốc hạ Cholesterol
Stalin là loại thuốc giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Những loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn cơ thể sản xuất một loại enzyme có tên là HMG-CoA reductase. Loại enzyme này có thể thể biến cholesterol thành các mảng xơ vữa động mạch trong mạch máu. Việc sử dụng thuốc Statin giúp ngăn chặn quá trình này xảy ra góp phần ngăn ngừa nguy cơ bị tắc mạch máu và hình thành những cơn đau tim.
Nhóm thuốc statin gồm có các loại:
- Atorvastatin (Lipitor)
- Simvastatin (Zocor)
- Fuvastatin (Lescol)
- Pitavastatin (Livalo)
- Lovastatin (Altoprev)
- Pravastatin (Pravachol)
- Rosuvastatin
4. Thuốc hạ huyết áp
Huyết áp cao là mối nguy lớn nhất gây ra đột quỵ do vỡ mạch máu (đột quỵ xuất huyết). Vì thế việc giữ huyết áp ổn định là điều rất quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ xuất hiện.
Huyết huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg thì được coi là huyết áp cao.
Nếu huyết áp quá cao, động mạch sẽ dày lên theo thời gian. Từ đó chúng dần trở nên yếu hơn, kém linh hoạt và dễ bị vỡ gây ra đột quỵ xuất huyết.
Hầu như những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ thiếu máu cục bộ thoáng qua và đột quỵ xuất huyết đều nên dùng thuốc chống tăng huyết áp, ngay cả khi chỉ số huyết áp của họ bình thường.
Bệnh nhân cần trao đổi cụ thể với bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất với tình trạng của mình.
Huyết áp cao cũng là một nguyên nhân khiến các mảng xơ vữa động mạch vỡ ta. Khi các mảng bám này bị vỡ, chúng có thể vô tình chặn giữa các động mạch gây ra tắc mạch máu. Do vậy kiểm soát huyết áp ổn định có vài trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ.
Các loại thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng để điều trị và phòng ngừa đột qụy bao gồm 4 nhóm sau đây:
4.1 Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE):
Thuốc này có tác dụng hạ huyết áp làm nguy cơ đau tim, để cho tim bơm máu và thực hiện các chức năng khác tốt hơn. Đồng thời nó cũng giúp bảo vệ thận ở những người bị bệnh thận hoặc là tiểu đường.
Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin gồm có:
- Lisinopril (Prinivil / Zestril), Benazepril (Lotensin)
- Captopril (Capoten)
- Enalapril (Vasotec)
- Fosinopril (Monopril)
- Lisinopril (Zestril)
- Quinapril (Accupril)
- Ramipril (Altace)
- Moexipril (Univasc)
4.2 Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
ARB chủ yếu được sử dụng để điều trị huyết áp cao và suy tim. Chúng hoạt động cũng tương tự như các chất ức chế men chuyển ACE để điều trị huyết áp cao, nhưng đây có thể là lựa chọn tốt hơn cho bệnh nhân nếu họ gặp tác dụng phụ với thuốc ức chế men chuyển ACE
4.3 Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta có tác dụng ngăn chặn một loại hormone gọi là Adrenaline giúp hạ huyết áp và làm cho nhịp tim hoạt động ổn định hơn, tránh nhịp đập quá nhanh.
Thuốc chẹn Beta được sử dụng để điều trị các bệnh: đau tim, đau thắt ngực, suy tim, loại nhịp tim, huyết áp cao.
Thuốc chẹn Beta bao gồm:
- Acebutolol (Sectral)
- Pindolol (Viskazide)
- Bisoprolol (Monocor)
- Carvedilol (Coreg ®)
- Labetol (Trandate)
- Atenolol (Tenormin)
- Nadolol (Corgard)
- Propranolol (Inderal)
- Metoprolol (Lopressor, Betaloc)
4.4 Thuốc chẹn canxi
Thuốc chẹn kênh canxi giúp các mạch máu giãn nở bằng cách ngăn canxi xâm nhập vào các tế bào trong tim và mạch máu. Chúng cũng có thể làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp của người bệnh, ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết mạch máu xảy ra.
Thuốc chẹn canxi thường được dùng kết hợp với các loại thuốc khác, chẳng hạn như là thuốc chẹn beta hoặc thuốc lợi tiểu.
Nhóm thuốc chẹn Canxi bao gồm:
- Diltiazem (Cardizem, Cartia XT, Dilacor, Tiazac)
- Nimodipin ( Nimotop)
- Nifedipine XL (Adalat XL)
- Felodipine (Plendil)
- Amlodipine (Norvasc)
- Verapamil (Isoptin, Isoptin SR, Verelan)
- Verapamil (Calan, Covera, Isoptin, Verelan)
- Diltiazem (Cardiazem, Tiazac, Tiazac XC)
4.5 Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu làm cho người bệnh tiểu tiện nhiều lần hơn trong ngày. Điều này giúp đào thải bớt nước và muối trong cơ thể. Từ đó tim sẽ bơm máu dễ dàng hơn. Đồng thời thuốc lợi tiểu làm giảm huyết áp và giảm triệu chứng khó thở.
Thuốc lợi tiểu bao gồm:
- Chlorthalidone
- Metolazone (Zaroxolyn)
- Axit ethacrynic (Edecrin)
- Hydrochlorothiazide
- Furosemide (Lasix )
- Indapamide (Lozide)
Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc lợi tiểu chung với các loại thuốc giảm huyết áp khác. Nên dùng thuốc lợi tiểu ít nhất 6 tiếng trước khi đi ngủ để tránh thức dậy vào ban đêm vì tiểu nhiều lần.
Nhóm thuốc này có thể gây ra một vài tác dụng phụ nhỏ như là yếu cơ, chuột rút và mệt mỏi do làm giảm nồng độ Kali. Vì vậy người bị đột qụy nên ăn nhiều những thực phẩm giàu Kali như chuối, dưa hấu, củ dền, rau chân vịt, khoai lang để ngăn ngừa tình trạng này. Bác sĩ cũng có thể cho người bệnh uống bổ sung Kali nếu cần thiết.
5. Các nhóm thuốc khác
Những người sống sót sau đột quỵ có thể phải chịu ít hay nhiều các di chứng nghiêm trọng như là liệt tay chân, mất trí nhớ, rối loạn tâm lý, rối loạn ngôn ngữ và thị giác…Vì thế họ cần được cung cấp thêm các loại thuốc điều trị di chứng chẳng hạn như:
Thuốc chống trầm cảm: là các chất là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc Citalopram (Celexa), Sertraline (Zoloft), Lamotrigine Paroxetine (Britorelle, Paxil, Paxil CR, Pexeva) hoặc Fluoxetine (Prozac),Amitriptyline
Thuốc chống động kinh:Gabapentin, Topiramate (Topamax), Levetiracetam (Keppra)…
Thuốc điều trị tiểu đường: Sulfonylurea
Thuốc phòng ngừa loãng xương: bổ sung canxi và vitamin D.
Thuốc giảm co thắt cơ bắp: đột quỵ có thể khiến cơ bắp bị co rút không kiểm soát, do đó người bệnh có thể được tiêm một mũi Botox (botulinum) để giảm co thắt và chuột rút xảy ra.
Lưu ý về việc sử dụng các thuốc điều trị và phòng chống đột quỵ
Người bị đột quỵ phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, do đó để tránh uống thiếu hoặc nhầm lẫn thì nên chia thuốc thành các liều và bảo quản trong hộp đựng thuốc theo ngày. Đây cũng là việc rất cần thiết và tiện lợi khi nếu đi du lịch.
Cần uống thuốc vào cùng 1 thời điểm trong ngày, hãy để thuốc ở nơi cố định, tại vị trí có thể dễ ghi nhớ và sử dụng dễ dàng. Nên dùng đồng hồ báo thức hoặc điện thoại để nhắc nhở uống thuốc đúng giờ.
Không tự ý dừng uống hoặc thay đổi thuốc đột ngột. Hãy tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ
Đôi khi thuốc điều trị đột quỵ có thể gây ra một vài tác dụng phụ khiến người bệnh lo lắng. Vì thế, hãy liên hệ với bác sĩ để kiểm tra lại thuốc và tình trạng của bản thân. Bác sĩ có thể thay đổi loại thuốc khác hoặc tăng giảm liều lượng để giúp bệnh nhân tránh khỏi những tương tác thuốc không mong muốn.